logo-mini

icon-home-grey50 Nam Cao, Ba Đình, Hà Nội
icon-phone-grey0243 845 6680
icon-email-greyc3nguyentrai@hanoiedu.vn
icon-email-greyphuonglannguyen009@gmail.com

Thông báo chung:

Lịch sử hình thành và phát triển trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình

 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN TRÃI - BA ĐÌNH - HÀ NỘI

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi - Ba Đình - Hà Nội là một trong những trường được thành lập sớm nhất ở Hà Nội theo Nghị định tái thành lập Trường Trung học Nguyễn Trãi - Hà Nội của Thủ hiến Bắc Việt (Ngày 24 - 8 - 1950) (Le 24 Aout 1950). Đến nay trường đã có bề dày lịch sử hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành.

Trải qua những bước thăng trầm gắn liền với lịch sử đất nước, lịch sử Thủ đô, các thế hệ thầy và trò trường THPT Nguyễn Trãi luôn vượt lên những khó khăn, gian khổ, thử thách, tự khẳng định mình qua từng giai đoạn phát triển, với nhiều địa điểm và tên gọi khác nhau.

TỪ NĂM 1950 ĐẾN NĂM 1954: THỜI KÌ HÀ NỘI BỊ PHÁP TẠM CHIẾM

Sau khi được tái thành lập, trường khai giảng năm học mới vào ngày 4 - 10 - 1950 tại số 26 Hàng Bài (Trường Trung học cơ sở Trưng Vương ngày nay) có 1023 học sinh là nam sinh với 23 lớp, 39 thầy cô giáo do Thầy Đào Văn Trinh là Hiệu trưởng đầu tiên, một người thầy có kiến thức sâu rộng, có lòng bao dung nhân ái (Số liệu do cựu học sinh khóa 1950 – 1953, cựu giáo viên trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi – Nguyễn Danh Bang cung cấp). Ngoài hoạt động dạy và học, thầy và trò nhà trường cùng với thầy trò các trường Chu Văn An, Trưng Vương luôn nung nấu tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc và hướng về cuộc kháng chiến cứu nước, tích cực tham gia các hoạt động công khai, bán công khai và bí mật. Những cuộc mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn, biểu diễn văn nghệ ở Nhà hát Thành phố như tổ chức lễ truy điệu Trần Văn Ơn ở chùa Quán Sứ (năm 1950), tổ chức thăm đồng bào bị địch bắt giam tại nhà giam Hỏa Lò tết năm 1951, diễn vở kịch “Hội nghị Diên Hồng”, “Hận Nam Quan” (tháng 2/1953)... Trong bối cảnh đó, chi bộ Đảng nhà trường được ra đời năm 1953 đã lãnh đạo các tổ chức công đoàn, phụ nữ, đoàn thanh niên tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chung, góp phần nhỏ bé cùng nhân dân cả nước đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mĩ đi đến thắng lợi cuối cùng năm 1954 với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1964: HOẠT ĐỘNG NHÀ TRƯỜNG GẮN LIỀN VỚI ĐỜI SỐNG XÃ HỘI.

Trường ở hai địa điểm: Số 67 phố Cửa Bắc và số 10 phố Thụy Khuê (học buổi chiều tại trường trung học phổ thông Chu Văn An)

Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, quân Pháp rút khỏi miền Bắc. Thầy và trò trường Nguyễn Trãi cùng với nhân dân Thủ đô hân hoan đón Chính phủ và Trung ương Đảng từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội năm 1955. Hòa bình được lập lại trên miền Bắc, bước vào thời kì xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Hòa trong không khí tưng bừng náo nức của đất nước đang chuyển mình đón “Luồng gió mới xã hội chủ nghĩa”, mọi hoạt động của nhà trường bắt đầu ổn định và phát triển lên một bước mới. Cuối năm 1954, trong một buổi sáng mùa đông lạnh, nhà trường bất ngờ được Bác Hồ đến năm. Hình ảnh Bác trước đây chỉ được biết qua truyền đơn bí mật, nay Bác đến nói chuyện trước con mắt của hàng nghìn học sinh. Thầy trò reo mừng sung sướng. Bác nói chuyện không lâu, nhưng lời Bác còn ghi mãi: “Học bây giờ để: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu khoa học, yêu lao động, yêu đạo đức. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh. Học thì phải hành.” Lời Bác trở thành nguyên lí giáo dục và mở ra một hướng mới cho sự nghiệp phát triển của nhà trường. Đồng thời với cải cách giáo dục, chuyển hệ đào tạo từ dạy - học theo chương trình giáo dục phổ thông trung học của Pháp sang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ba cấp (hệ 9 năm) theo nghị quyết của Đại hội Trung ương Đảng lần thứ III (năm 1960). Trường đẩy mạnh chất lượng đào tạo con người mới, các thầy cô giáo được tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, trao đổi cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy. Các tổ chức đoàn thể được hình thành và hoàn thiện. Năm 1958, Chi bộ Đảng nhà trường ra mắt hoạt động công khai, độc lập, đoàn thanh niên lao động, đội thiếu niên Tiền Phong phát triển rộng trong các lớp. Yêu cầu giáo dục lí tưởng sống được đề cao, với nhiều hình thức phong phú, có tác động và cuốn hút mạnh mẽ tuổi trẻ. Phong trào rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu, học khá, học giỏi, các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ... ở các khối lớp và toàn trường diễn ra rất sôi  nổi.

Nét nổi bật trong toàn bộ hoạt động của nhà trường trong thời kì này là gắn liền với đời sống xã hội. Bài giảng nào cũng được thầy cô hướng dẫn liên hệ với thực tiễn cuộc sống, thực tiễn sản xuất, xâm nhập, tìm hiểu đời sống của người lao động. Học sinh nhà trường tích cực tham gia lao động sản xuất và hoạt động xã hội. Một tấm gương tiêu biểu là anh Đoàn Phan Tân, học sinh trường Nguyễn Trãi, giáo viên Bình dân học vụ khu Phúc Tân. Anh đã vinh dự được hai lần gặp Bác Hồ và được nhận Huy hiệu chiến sĩ thi đua toàn Thành do Bác trao tặng (sau này, anh trở thành cán bộ lãnh đạo - Hiệu phó Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Hàng tuần, học sinh tham gia lao động đắp đường Cổ Ngư, xây dựng công viên Thống Nhất, công trường xây dựng Văn Chương, giúp dân gặt lúa ở Gia Lâm, Từ Liêm..., nghỉ hè nhiều lớp lên khi công nghiệp Việt Trì vừa học tập, vừa lao động... Năm 1955 trong buổi lao động đắp đường Cổ Ngư, thầy và trò trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An đã được Bác Hồ đến thăm và cùng lao động. Bác nói “Con đường này trước đây có tên là Cổ Ngư. Đến hôm nay nó đang rộng ra, đẹp lên do công sức của thanh niên. Vậy từ hôm nay, con đường này có tên là đường Thanh niên”, sau đó Bác chụp ảnh chung với thầy và trò nhà trường (nguồn trích từ bài viết “Trường Nguyễn Trãi trong kí ức tôi” của Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Trần Xuân Giá nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường).

Từ năm 1958 đến năm 1961, nhà trường còn vinh dự đón nhận nuôi dưỡng và đào tạo hơn 300 học sinh miền Nam tập kết. Nhiều anh chị đã trưởng thành, trở về tham gia trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,... Trong số đó nhiều người đã trở thành cán bộ cốt cán của nhiều tỉnh, thành và Trung ương.

Ngoài ra nhà trường còn mở rộng quan hệ quốc tế với tinh thần quốc tế vô sản, hòa nhập với nhịp sống chung của xã hội và thời đại, đón các đoàn giáo viên, học sinh các nước Liên Xô, Australia,... đến thăm và trao đổi học tập. Những thành tích trên đã đặt cơ sở nền móng, tạo cơ sở nội lực cho nhà trường tiếp tục xây dựng và trưởng thành, vượt qua những khó khăn, thách thức, đóng góp vào công cuộc xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước và công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

TỪ NĂM 1965 ĐẾN NĂM 1975: NHỮNG NĂM CHỐNG MĨ

Năm học 1964 - 1965, trường chuyển về địa chỉ số 4 phố Giang Văn Minh - Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội. Ngôi trường khang trang được xây dựng từ nguồn ngân sách quĩ xổ số kiến thiết Thủ đô. Tuy nhiên, không được bao lâu, đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, đánh phá ác liệt Thủ đô Hà Nội. Bước vào những năm tháng ác liệt của cuộc chiến trannh chống đế quốc Mĩ, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trường phải sơ tán và phân tán về các vùng nông thôn.

$1-         Từ năm 1965 đến năm 1966: sơ tán về xã Phù Đổng - Gia Lâm.

$1-         Từ năm 1966 đến năm 1699: đề phòng địch bắn phá Cầu Long Biên, trường sơ tán về xã Đại Áng - Thường Tín - Hà Tây.

$1-         Từ năm 1971 đến năm 1973: sơ tán về xã Thanh Thùy - Hoài Đức - Hà Tây.

Việc tổ chức trường lớp học tập, ăn ở cho gần một nghìn thầy trò ở nơi sơ tán gặp muôn vàn khó khăn. Song thực hiện lời kêu gọi và căn dặn của Bác “Không có gì quí hơn độc lập tự do”, “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược”..., thầy và trò nhà trường đã từng bước vượt qua những khó khăn. Trước hết là “dân vận” chính quyền địa phương, các hộ dân nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho chỗ ở, chỗ học, rồi lao động đào hệ thống giao thông hào hàng cây số, hầm trú ẩn khi có báo động. Nhà trường thường xuyên giáo dục học sinh ý thức kỉ luật thời chiến ở nơi sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng, duy trì hoạt động dạy và học. Hàng ngày từng đoàn học sinh quần áo chỉnh tề, đầu đội mũ rơm đến các lớp học ở trường làng, có cả những giờ học thầy, trò học ngay trong hầm trú ẩn. Tất cả những suy nghĩ, việc làm của thầy trò nhà trường đều hừng hực khí thế đánh thắng Mĩ: sơ tán an toàn để thắng Mĩ, mỗi điểm tốt là góp một viên đạn bắn vào đầu thù... Phong trào “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, phấn đấu xây dựng “Tổ lao động xã hội chủ nghĩa”... dấy lên sôi nổi. Mặc dù trong điều kiện ăn, ở, học hành thiếu thốn, phân tán, song các thầy cô vẫn miệt mài soạn bài, đổi mới cách dạy, chăm lo cho học sinh như con em của mình; học sinh tự giác chăm chỉ học hành. Vì vậy, đội tuyển học sinh giỏi của trường đạt nhiều giải cao trong các kì thi học sinh giỏi thành phố và miền Bắc. Nhà trường đã đạt nhiều thành tích về mọi mặt, đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, nhiều tổ chuyên môn đạt danh hiệu là tổ lao động xã hội chủ nghĩa, nhiều thầy cô đạt danh hiệu “chiến sĩ thi đua”... Trường Nguyễn Trãi là một điểm sáng của ngành giáo dục Thủ đô, là một địa chỉ tin cậy của nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hòa chung với tinh thần của quân dân miền Bắc “Vì miền Nam thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, một số thầy giáo và hàng trăm học sinh tình nguyên xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu ở chiến trường B và tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong chống Mĩ cứu nước. Có những buổi chia tay tiễn học sinh lên đường nhập ngũ vô cùng cảm động của thầy và trò nhà trường. Tạm biệt mái trường thân yêu, tạm biệt thầy cô, bạn bè, họ chỉ kịp viết vội vài dòng trong cuốn sổ truyền thống của nhà trường, nhưng thật đầy đủ và xúc động với một lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hẹn ngày trở về chiến thắng. Trong số những con người dũng cảm ấy, nhiều chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng, lập công xuất sắc góp phần vào chiến thắng chung, một số đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, trong đó có các anh chị:

$1-         Liệt sĩ Ca Lê Hiến (tức nhà thơ Lê Anh Xuân) cựu học sinh miền Nam tập kết, học tập tại trường từ năm 1958 đến năm 1961, hi sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

$1-         Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm cựu học sinh khóa 1957 - 1960 hi sinh tại chiến trường Quảng Ngãi.

$1-         Liệt sĩ Nguyễn Kim Yến, cựu học sinh khóa 1965 - 1967, tham gia đoàn văn công giải phóng miền Nam, hi sinh tại chiến trường Tây Ninh tháng 10 năm 1969.

$1-         Liệt sĩ Nguyễn Quang Anh, cựu học sinh khóa 1968 - 1971, hi sinh trong cuộc tiến công chiến lược tại Quảng Trị năm 1972.

$1-         Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, cựu học sinh khóa 1956 - 1962, chiến sĩ lái máy bay MIG-21, anh hùng không quân, hi sinh tại cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô Hà Nội trong trận chiến đấu chống cuộc tập kích chiến lược của máy bay B52 của đế quốc Mĩ vào Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Sự hi sinh cao cả của các anh, các chị đã tô đẹp thêm trang lịch sử truyền thống của nhà trường, mãi mãi là niềm tự hào của thầy trò trường THPT Nguyễn Trãi. Công sức, trí tuệ, xương máu của các thế hệ thầy và trò nhà trường đã góp một phần nhỏ bé vào chiến thắng chung của dân tộc, tạo nên Đại thắng mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

TỪ NĂM 1976 ĐẾN NĂM 1985: CÙNG CẢ NƯỚC ĐI LÊN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của toàn dân tộc đã kết thúc thắng lợi (30 - 4 - 1975). Đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất bước vào thời kì quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đầu những năm 80 của thế kỉ XX, đời sống cán bộ giáo viên vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Ngôi trường cũ xuống cấp nghiêm trọng, hiện tượng lún nứt xảy ra, thường xuyên ngập úng, ô nhiễm môi trường, làm ảnh hướng lớn đến cảnh quan sư phạm. Đội ngũ giáo viên nhà trường với khả năng chuyên môn vững vàng, dạy dạn kinh nghiệm, yêu nghề, thương yêu học sinh, gắn bó với mái trường đã đoàn kết một lòng, từng bước khắc phục khó khăn về mọi mặt, duy trì các hoạt động, từng bước ổn định, nâng cao chất lượng đào tạo. Trường luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến, tiên tiến xuất sắc, 5 tổ chuyên môn đạt danh hiệu Tổ lao động Xã hội chủ nghĩa, 10 đồng chí là chiến sĩ thi đua, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm luôn đạt từ 96% trở lên, đội tuyển học sinh giỏi của trường thường đứng thứ hạng 5 hoặc 6 của thành phố. Phong trào thể dục thể thao, văn nghệ nhiều năm gặt hái được nhiều huy chương, công tác giáo dục hướng nghiệp được chú trọng, đổi mới. Ngoài nhiệm vụ dạy tốt - học tốt, các thầy cô giáo của trường còn tham gia hoạt động xã hội như dạy bổ túc văn hóa trên công trường xây dựng Lăng Bác (năm 1973), góp phần nhỏ bé vào công trình thế kỉ của dân tộc. Nhiều học sinh của trường tiếp tục hăng hái lên đường nhập ngũ, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc, có người đã hi sinh anh dũng trên mảnh đất biên cương xa xôi.

Từ đây tên tuổi và đội ngũ giáo viên của trường THPT Nguyễn Trãi luôn là niềm tự hào của đồng nghiệp và các thế hệ học sinh Thủ đô.

TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY: ĐỔI MỚI - HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

Từ năm 1986, thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI, đất nước bước vào thời kì đổi mới, thầy và trò trường THPT Nguyễn Trãi cũng chuyển mình cùng nhịp sống thời đại. Đầu những năm 90, cơ sở vật chất được thành phố đầu tư cải tạo, rồi xây dựng lại vào năm 2000, ngôi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn đã đem lại niềm vui cho thầy trò và các bậc phụ huynh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường. Đó là tình trạng chung cơ sở vật chất với trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (học buổi chiều), đội ngũ giáo viên có nhiều xáo trộn, những mặt trái, tiêu cực của xã hội trong cơ chế thị trường xâm nhập. Bắt nhịp với yêu cầu của thời đại, đổi mới để tồn tại, hội nhập để khẳng định và phát triển, hưởng ứng phong trào thi đua của ngành giáo dục Thủ đô và cả nước, thầy và trò trường Nguyễn Trãi đã tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nhà trường văn hóa, “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”, hưởng ứng phong trào thi đua “Cô giáo người mẹ hiền”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”... Nhờ thế, chất lượng dạy và học được giữ vững và từng bước nâng cao. Đội ngũ giáo viên của trường ngày càng được trẻ hóa, chuẩn hóa, có trình độ học vấn cao (Thạc sĩ, nghiên cứu sinh)... Các kì thi học sinh giỏi thành phố, nhà trường đều có học sinh đạt giải nhiều môn từ khuyến khích đến giải nhì. Năm học 2007 - 2008 có học sinh giỏi quốc gia. Nhiều thầy cô giáo đạt giải cao trong các kì thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố, những hoạt động của các tổ chức đoàn thể đều đổi mới và thu nhiều thành tích xuất sắc.

Từ tháng 9 năm 2010 đến nay, trường được chuyển về địa chỉ số 50 phố Nam Cao, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, địa điểm thứ 5 trong quá trình xây dựng và phát triển của trường. Tiếp quản một cơ sở vật chất đã xuống cấp, trước bộn bề những khó khăn và thách thức mới. Được sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo của các cấp, đội ngũ lãnh đạo nhà trường có năng lực, giàu tâm huyết, thầy và trò nhà trường đã từng bước giải quyết những khó khăn: cải tạo cơ sở vật chất; tích cực đổi mới phương pháp dạy - học; nâng cao chất lượng về mọi mặt; tiếp tục đạt được những thành tích cao trong các kì thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi thành phố; hai năm liền có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp khối 12 đạt 100%; tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng đều qua các năm học. Trường được công nhận là trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, Chi bộ vững mạnh, trong sạch, công đoàn vững mạnh, cơ sở Đoàn thanh niên xuất sắc...

Mục tiêu phấn đấu và định hướng của nhà trường trong những năm tới là tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên mạnh về chuyên môn, nhiệt tình, đáp ứng những yêu cầu mới của ngành với những điều kiện dạy học hiện đại, phương pháp dạy học tích cực tiên tiến,... từng bước tiếp tục nâng cao và khẳng định chất lượng giáo dục, xây dựng và rèn luyện phong cách học sinh văn minh, thanh lịch, hiện đại và năng động, xây dựng môi trường sư phạm với việc đầu tư chiều sâu về cơ sở vật chất, phục vụ công tác dạy và học.

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, từ khi tái thành lập đến nay, chuyển dời qua 5 địa điểm: 26 phố Hàng Bài, số 67 Cửa Bắc, số 10 Thụy Khuê, số 4 Giang Văn Minh và số 50 phố Nam Cao, qua hơn 60 khóa, nhà trường đã đào tạo khoảng hơn 30.000 học sinh. Nhiều học sinh đã trưởng thành từ mái trường này, trở thành những giáo sư tiến sĩ, nhà doanh nghiệp quản lí kinh tế, nhà thơ, nghệ sĩ và những người lao động bình dị đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có các cán bộ chủ chốt của Đảng và nhà nước trên các lĩnh vực: Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá - học sinh năm 1954; Nhạc sĩ Phó Đức Phương; Nghệ sĩ nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Nguyễn Trung Kiên; Đại biểu quốc hội nguyên phó chủ nhiệm ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, học sinh khóa 1962 - 1965; Đại biểu quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc; Nhà sử học Lê Văn Lan,... Cựu học sinh khóa 1973 - 1976 Phạm Bình Minh hiện là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh... Các thế hệ giáo viên của trường dù trong thời điểm nào, hoàn cảnh nào cũng luôn khẳng định trình độ năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì học sinh với lối sống mẫu mực, tiêu biểu như thầy giáo dạy văn, nhà phê bình văn học, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Tâm... Thầy và trò nhà trường qua nhiều thế hệ đã đóng góp công sức viết lên truyền thống của nhà trường, đó là “Truyền thống yêu nước, sống nhân ái, học giỏi, văn minh”. Ghi nhận những thành tích đã đạt được, nhà trường đã được nhà nước trao tặng:

$1-         Huân chương lao động hạng Ba nhân dịp kỉ niệm 40 năm thành lập trường năm 1991.

$1-         Huân chương lao động hạng nhì nhân dịp kỉ niệm 50 năm thành lập trường năm 1999.

$1-         Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1998.

$1-         Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2007 - 2008.

$1-         Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội năm học 2006 - 2007, 2007 - 2008, 2008 - 2009, 2011 - 2012,...

Bề dày lịch sử và những đóng góp của nhà trường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển Thủ đô mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ thầy và trò nhà trường, tiếp tục là hành trang để trường THPT Nguyễn Trãi vững bước trong tương lai, xứng đáng với danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi mà trường vinh dự được mang tên, thực sự là vầng “Sao Khuê” tỏa sáng giữa lòng Thủ đô.

Tiện Ích

icon-tin-diemSỔ LIÊN LẠC ĐIỆN TỬ
Kết nối Nhà Trường & Phụ huynh


icon-quan-ly-giao-vienQUẢN LÝ GIÁO VIÊN
Tra cứu danh sách CBGVNV


icon-downloadDOWNLOAD PHẦN MỀM
Hỗ trợ giảng dạy học tập